Skip to main content
Đô Thị Cuộc Liên Hôn Sai Lầm Chương 45: Đánh Dấu Chủ Quyền

Chương 45: Đánh Dấu Chủ Quyền

Có một điều rất lạ, dạo này trợ lý thấy tổng giám đốc nhà mình rất để tâm cho dự án mới ở tỉnh nọ quá nhiều. Lúc trước cứ mỗi hai tuần, sếp sẽ chạy xuống ngó dự án một lần. Mấy vị chịu trách nhiệm dự án dưới đó thấy sếp xuất hiện cũng lên tinh thần.

Thật ra sếp xuất hiện kiểm tra thỉnh thoảng thì cũng không có vấn đề gì. Chỉ là thời gian này sếp quá đáng sợ, cứ hai tuần lại ghé thăm một lần. Trong lòng mọi người đều nghĩ dự án sếp đích thân giám sát, đủ biết nó hoàn hảo thế nào. Chả trách mấy căn hộ còn chưa đặt móng đã bán sạch sành sanh.

Nhưng mà thời gian trước còn hai tuần một lần, sao bây giờ mỗi tuần đều xuất hiện vào chiều thứ năm, hù dọa tất cả đám lính từ giám sát công trình, kỹ sư xây dựng, tổ thiết vân vân, đều phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Chỉ sợ sếp quá coi trọng dự án, nếu phát hiện ra một sai lầm nhỏ nhặt, vậy là toi đời.

Minh Hoàng không biết nỗi khổ trong lòng cấp dưới. Anh có mục đích mới chạy xuống chỗ này. Lúc đầu là đơn giản giúp đỡ Thụy Khanh, mỗi sáng thứ sáu anh đều chạy xuống đây giả vờ xem dự án, thật ra là đợi Thụy Khanh dạy xong, rồi đưa cô về Sài Gòn.

Nhưng vì mỗi tuần anh đều cho quá giang khiến Thụy Khanh ngại. Vì sợ cô trốn, anh ráng làm ra vẻ mình thật sự có việc dưới này, hai tuần phải chạy xuống một lần. Anh giấu lòng rất kỹ, nhưng tài xế đủ già, vài lần đã nhận ra sếp chỉ đang tìm cớ. Sếp vất vả đi đường xa, bảo là xem công trình nhưng thật chất chỉ có mặt vài phút, sau đó chạy đến trường chở người ta đi ăn trưa, rồi đưa về Sài Gòn.

Khi có cô bé này ngồi cùng, không khí trong xe dường như thoải mái hơn lúc sáng. Từ Sài Gòn xuống đây sếp rất trầm, chỉ nhắm mắt dưỡng thần, hoặc làm việc trên máy tính xách tay, hại tài xế đến ho cũng chẳng dám. Giờ có cô gái nhỏ bên cạnh, mặt sếp thật rạng ngời. Miệng luôn treo nụ cười cưng chiều khi nghe cô bé kể chuyện dạy học hằng ngày. Nếu ai hỏi, hai người đều nói là anh em, nhưng tài xế sống lâu năm có thể nhận ra rõ ràng sếp có tình cảm với cô bé này.

Lúc đầu mỗi thứ sáu xuống và đợi cô bé cùng về, sau đó chẳng biết sếp nghĩ thế nào mà bắt đầu tuần xuống hai lần. Giờ tài xế đang ngồi trong xe, sếp nhà đang nhắm mắt dưỡng thần ở băng ghế phía sau. Xe hiện tại đậu trước trường tiểu học chờ Thụy Khanh dạy xong. Không nhìn ra sếp vô cùng kiên nhẫn.

Đợi thêm một lúc, tài xế kín đáo nhìn từ kính chiếu hậu thấy sếp đã mở mắt, tay rút điện thoại trong túi ra nhìn đồng hồ. Ngó thấy đã đến giờ cô bé kia tan trường, sếp ngồi thẳng lưng, định mở cửa bước ra. Đúng lúc này cô bé chầm chầm đi bên cạnh cậu bạn, đang dắt xe máy ra cổng. Cậu bạn nói gì đó và cô bé nở nụ cười dịu dàng, tan trong nắng.

Hình ảnh cô bé trong bộ áo dài màu trắng đi bên cạnh bạn học cũng đang mặc sơ mi màu trắng, quần ghi màu xanh, đầy nét thanh xuân. Nhìn bức tranh trước mặt vô cùng tươi mát, vậy mà không hiểu sao mặt sếp có vẻ âm u. Vừa nãy còn háo hức muốn mở cửa xe thì giờ khựng lại.

Tài xế tưởng sếp sẽ cố thủ luôn trong xe, nhưng ai biết chỉ một giây sau, sếp lại mở cửa bước vội vàng xuống, sải chân đến gần hai cô cậu phía trước. Đây là chuẩn bị đi giành địa bàn hay tuyên bố chủ quyền? Tài xế nghĩ thầm trong lòng, chứ chẳng có gan thể hiện ra mặt.

Đúng là Minh Hoàng vội, chính anh cũng không hiểu sao mình vội. Chỉ biết rằng hình ảnh Thụy Khanh đang cười nói với người kia quá chói mắt, càng nhìn lòng càng khó chịu. Phải làm cái gì đó kéo Thụy Khanh về phía anh. Não chưa nghĩ thông, hành động đã đi trước suy nghĩ. Còn chưa đến cạnh, miệng anh đã gọi tên cô: “Thụy Khanh!”

Biểu cảm của Thụy Khanh nhìn thấy anh vô cùng vui mừng, trong khi Đình Thành lại nghiêm lại, muốn tạo dựng hình ảnh ổn trọng trong mắt người nhà Thụy Khanh. Không phải sao, ngày đó cô đã nói đây là anh trai, cho nên cậu muốn tạo ấn tượng tốt với anh. Thế là cậu gật đầu chào anh rất quy củ.

Minh Hoàng không vui lắm, nhưng người quen giao tiếp như anh rất giỏi che giấu cảm xúc. Và như người anh lớn, anh cũng gật đầu chào lại bạn học của Thụy Khanh. Nhưng chào xong rồi lập tức muốn kéo Thụy Khanh về mình: “Em tan học rồi phải không? Giờ theo anh về.”

“Anh Hoàng hôm nay xuống giám sát công trình nữa sao?” Thụy Khanh nhìn anh vui vẻ.

Mấy lúc gần đây anh thường bảo cô vì dự án dưới này nên anh xuống đây thường xuyên, sẵn tiện cho cô quá giang về Sài Gòn. Giờ thấy anh mỗi ngày thứ sáu cô rất vui, tí nữa có thể ngồi xe anh về lại Sài Gòn, đi xe này tiết kiệm nhiều thời gian. Anh Hoàng thật tốt bụng. Cô càng ngày càng thấy quý anh.

Minh Hoàng nhìn Thụy Khanh mừng rỡ khi thấy anh, cảm xúc của anh lúc này không tệ. Giọng anh cưng chiều: “Ừ, sáng nay anh có việc dưới này, xong rồi đợi Thụy Khanh về cùng luôn.”

Lời này nếu rơi vào tai nhân viên cấp dưới, bảo đảm họ sẽ thét lên: “Sếp làm gì có bổn phận dưới này nữa? Còn bao nhiêu dự án trên Sài Gòn cần anh phê duyệt đây ạ.”

“Vậy anh Hoàng đợi em về khu tập thể, thay quần áo xong mình về Sài Gòn ạ.” Giọng Thụy Khanh hớn hở.

Hai người đàn ông một chín chắn, một non nớt đang ngước nhìn nụ cười tỏa nắng của cô gái, bỗng chốc họ như muốn chìm trong biển tình. Đương nhiên giống đực vô cùng ích kỷ, Minh Hoàng không nhận ra anh bắt đầu bực mình khi cậu bạn này vẫn chưa chịu từ giã. Đã tan trường rồi, sao cậu ta không chịu về đi?

Bản lĩnh của người đàn ông thành đạt lập tức phát huy: “Thụy Khanh tạm biệt bạn đi, chúng ta về chỗ em ở rồi tranh thủ về Sài Gòn.”

Thụy Khanh vui vẻ làm động tác chào Đình Thành, rồi theo bên cạnh Minh Hoàng. Đình Thành vốn định nhân dịp này tranh thủ tạo mối quan hệ với anh trai đáng kính trước mặt, nhưng dường như người anh trai này có hơi nghiêm khắc, không thân thiện lắm. Cậu đành phải nuối tiếc bỏ qua cơ hội làm thân, chỉ đứng đó nhìn người con gái mình thích đi cùng anh trai cô.

Ở phía trước, vị anh trai cao ráo vừa nãy hành xử như người ta mắc nợ mình, giờ thì nhìn em gái cất giọng dịu dàng muốn tan chảy: “Thụy Khanh đói bụng chưa nè?”

“Dạ chưa! Đợi em thay trang phục xong rồi mình về thành phố luôn.”

“Không được. Chúng ta phải ăn trưa cho đúng giờ. Ăn xong rồi về cũng không muộn.”

“Dạ, Khanh nghe anh Hoàng.”

Vô cùng ngoan ngoãn khiến anh rất hài lòng. Thật sự tiếp xúc gần với cô rồi mới thấy kiểu người của cô vô cùng hiền lành, biết chuyện, hay sợ phiền người ta, sợ người ta thiệt hại vì mình. Đôi lúc cô quá cẩn trọng khiến anh thấy tội nghiệp.

Có lẽ sống trong hoàn cảnh không được gia đình quan tâm nhiều nên cô dè dặt, không tùy tiện. Đôi lúc anh cảm giác cô như bà cụ non, không hợp tuổi. Dù vậy vẫn là một con người lành tính.

Khu tập thể cô ở rất gần trường, nên hai người bọn anh đi bộ bên nhau. Hai bước chân ăn ý nhẹ nhàng. Chỉ vài phút đã đến trước cửa phòng cô. Chỗ này không có nhiều giáo viên ở lại, nên các cô may mắn mỗi người được một phòng. Thụy Khanh mở cửa mời anh vào.

Minh Hoàng ngại muốn giữ tiếng cho cô. Anh định đợi cô ở phía ngoài. Nhưng trời đang nắng chói chang, nhiệt độ tăng cao, Thụy Khanh sợ anh nóng. Con người hiền lành như cô chắc chắn không nỡ để anh vì đợi cô phải chờ dưới ánh nắng.

Thật ra thì phòng cô cũng không mát mẻ gì cho cam, nhưng vẫn ổn hơn bắt anh đứng bên ngoài. Có lẽ chưa va chạm với đời nhiều, nên Thụy Khanh còn vô tư. Cô mời anh vào phòng một cách tự nhiên. Trong suy nghĩ giản đơn của cô, phòng cô ở một mình có thể mời anh vào, chẳng ảnh hưởng đến ai.

Cô ít bày biện nên phòng rất sạch sẽ. Tiếc là phòng không có bàn ghế. Chỗ tập thể này vô cùng đơn sơ. Trong phòng có toilet nhỏ, một cái giường đơn và trên kệ bếp đặt một bếp điện từ. Cạnh góc phòng có một bàn học nhỏ. Đơn giản đến không thể đơn giản hơn.

Trước giờ Minh Hoàng quen sống nơi nhà cao cửa rộng và anh biết môi trường sống trước đây của Thụy Khanh cũng giống anh. Thế mà giờ cô có thể chịu được sinh hoạt trong không gian chật hẹp, điều kiện sống thiếu thốn như vậy, tự nhiên anh thấy khâm phục của cô. Trong lòng còn có chút gì đó thương xót.

Một cô tiểu thư lá ngọc cành vàng, lại chịu khó vừa học vừa làm. Cha mẹ không ngó ngàng cô cũng không phiền giận, chỉ cố gắng vươn lên. Mấy ai có thể làm được như Thụy Khanh?

Thụy Khanh kéo ghế con ở bàn học ra mời anh: “Anh Hoàng ngồi tạm chỗ này. Đợi Khanh một chút, Khanh sẽ xong ngay thôi.”

Thay vì ngồi ở ghế, anh vô cùng tự nhiên cởi giày để ngoài cửa phòng, lại ngồi xếp bằng dưới nền gạch.

“Em cứ từ từ. Chúng ta đi xe nhà, đâu có gì phải vội.”

Thụy Khanh rót nước mời anh. Mọi thứ của cô đều nhỏ nhỏ xinh xinh mang màu hồng của chú mèo Kitty. Minh Hoàng cầm trong tay ly nước Thụy Khanh vừa rót cho anh. Anh dám chắc ly này ngày thường cô vẫn sử dụng và giờ cô lấy nó mời anh, tự nhiên khóe môi anh cong cong.

Thụy Khanh soạn quần áo bỏ vào ba lô, rồi vào toilet thay áo dài. Ở bên ngoài Minh Hoàng nhìn nhìn miệng ly, lòng anh bất giác tự hỏi nơi nào Thụy Khanh đã đặt môi lên uống. Anh thật sự muốn chạm môi mình lên nơi đó. Nếu Thụy Khanh mà biết suy nghĩ biến thái trong lòng anh hiện giờ, chắc cô sẽ hoảng loạn.

Thụy Khanh không khiến anh phải đợi lâu. Chỉ vài phút sau cô đã gọn gàng trong chiếc quần jean, áo thun trắng in hình mèo Kitty đơn giản. Nhìn cô nhí nhảnh như một học sinh trung học. Tóc được buộc gọn gàng ra phía sau bằng sợi ruy băng màu hồng.

Cả người cô nhìn sạch sẽ, dễ thương đầy sức sống. Khác với hình ảnh cô giáo dịu dàng trong tà áo dài lúc nãy. Anh phát hiện ra Thụy Khanh vô cùng thích màu trắng. Đa phần áo của cô toàn màu trắng, màu của sự ngây thơ, thánh thiện.

“Khanh xong rồi. Bây giờ mình đi nha anh Hoàng.”

Thật ra anh muốn ngồi ở phòng cô chơi thêm một chút để hiểu thêm về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của cô, nhưng trông Thụy Khanh quá háo hức về Sài Gòn, anh đành phải đứng lên theo cô. Tiếc nuối là vậy nhưng lòng cũng có chút vui vẻ.

Ít ra anh đã biết chỗ cô ở, cô còn mời anh vào phòng. Đây là thái độ an tâm về anh. Cô không còn phòng bị khi anh đến gần như trước đây. Thái độ của cô dành cho anh đã thay đổi theo chiều hướng thân cận và tin tưởng như người thân trong gia đình. Cảm giác này đúng là không tệ.

Minh Hoàng rất tự nhiên cầm lấy áo khoác và ba lô của Thụy Khanh. Cô vươn tay định giành lại: “Khanh tự cầm được rồi anh Hoàng.”

Minh Hoàng không nghe cô, anh vẫn cầm áo khoác và ba lô của cô đi chầm chậm ra xe. Tài xế thấy hai người đi ra liền mở cửa xe bước xuống. Nhưng tài xế không có cơ hội thể hiện sự chu đáo vì sếp đã đích thân mở cửa sau cho cô gái.

Tài xế chỉ có thể đợi sếp ngồi vào để đóng cửa cho có hình thức, rồi vòng qua ghế lái. Vừa ngồi xuống, cô gái nhỏ bên cạnh sếp đã mở miệng lịch sự: “Cám ơn bác tài cho em đi nhờ xe, với lại cám ơn anh nãy giờ chờ em.”

“Ồ, đâu có gì.” Tài xế không dám nhận.

Cám ơn gì chứ, đừng có hù anh. Chuyện này là chủ ý của sếp nhà. Anh dù có bực cũng đâu dám hó hé. Nhiệm vụ của anh là lái xe chở sếp đi đây đó. Dù sếp muốn chờ đợi ai, anh chỉ việc ở trong xe chờ, hó hé cho chết hay chi.

Nhưng đúng là cô gái nhỏ quá lịch sự và biết chuyện. Hồi trước anh từng làm tài xế cho vài gia đình giàu có khác. Một số đứa nhóc nhỏ hơn cô bé này, láo không chịu được. Vài đứa lớn hơn thì đỏng đảnh, đâu có ai giống cô bé này, biết ngại khi làm phiền người ta, còn biết kính trên nhường dưới nữa. Đúng là học sư phạm nên tư cách có khác chăng?

Con người đôi lúc rất kỳ lạ, nếu đã hảo cảm rồi thì nhìn kiểu gì cũng thấy dễ thương. Tài xế vì có cảm tình với Thụy Khanh, nên trong mắt anh cô gái này thật xinh đẹp, rất xứng đôi với sếp nhà. Anh vừa lái xe, vừa lén lén nhìn ra ghế sau, thấy sếp nhà vô cùng chu đáo, chỉnh ghế cho cô gái nhỏ ngồi lại cho thoải mái. Còn chỉnh kính xe tối màu để cô gái khỏi bị chói mắt.

Và sợ cô gái lạnh, sếp cũng chỉnh nhiệt độ máy điều hòa lại. Nói chung là cẩn thận quá mức. Nhưng cô gái nhỏ đúng là không khiến người ta có thể ghét được. Sau khi thấy sếp nhà làm mọi thứ, cô gái nhỏ nở nụ cười thật tươi tắn, cất giọng thánh thót: “Cám ơn anh Hoàng nhiều!”

“Không có chi! Thụy Khanh nếu mệt có thể nhắm mắt một chút. Lát nữa đến quán ăn anh sẽ gọi.”

“Em không đói bụng. Có thể chạy về Sài Gòn luôn cũng được ạ. Với lại em cũng không buồn ngủ.”

Giọng rất trong trẻo, dễ thương. Đây đúng là giọng nói của người hiền lành, nhẹ nhàng. Tài xế âm thầm nhận xét trong lòng, hảo cảm dành cho cô lại tăng thêm một bậc.

Minh Hoàng không nghe cô, anh vẫn nhìn lên phía trước dặn dò tài xế: “Tí nữa anh cứ ghé chỗ nào dọc đường có quán ăn ngon và sạch sẽ nhé anh Trí.”

“Tôi biết rồi cậu Hoàng.”

Xe bon bon trên đường, Không khí bên ngoài oi bức, nhưng bên trong xe lại dịu nhẹ. Hai người phía sau vô cùng hài hòa. Minh Hoàng như bao lần lại hỏi thăm chuyện thực tập của Thụy Khanh:

“Tuần này thực tập có gặp sự cố gì không Khanh?”

“Dạ không có! Chỉ là có một chuyện rất vui.”

Rồi như nhớ lại chuyện gì đó buồn cười, cô gái nhỏ lại bụm miệng cười khúc khích. Minh Hoàng nhìn cô vui tươi nhí nhảnh, tâm anh cũng ngứa ngáy, rất muốn bẹo má cô, nhưng cố kìm lại. Giọng anh cũng reo vui:

“Có chuyện gì khiến Thụy Khanh vui dữ vậy?”

“Thứ hai tuần trước, lúc em đang thực tập dạy vẽ cho học sinh lớp một. Đang tô màu con chó nhỏ trên trang sách. Tự nhiên có một cô bé khóc thút thít. Lúc đầu em tưởng có chuyện gì nghiêm trọng, hay là bé bị bệnh. Hỏi một lúc mới biết là do con chó ở nhà sắp sinh. Người lớn trong nhà chắc sợ bé ghẹo chọc, nên mới bảo bé chó đau lắm, bé đừng ghẹo. Em dỗ một lúc bé vẫn không ngừng khóc. Chẳng thể tiếp tục tiết học được nữa, nên em hỏi bé khóc vì chó sinh con ở nhà hả? Bé lắc đầu chó chưa có sinh, mẹ nói còn lâu lắm mới sinh. Vậy sao con khóc? Dạ con khóc trước thôi hà.”

Thụy Khanh nhớ lại bộ mặt hài hước đầy nước mắt của cô bé mà còn buồn cười. Tài xế phía trước cũng thấy vui vì mẫu chuyện nho nhỏ của cô.

“Đi dạy cũng vui ha. Thụy Khanh có vẻ hợp với nghề giáo.” Minh Hoàng nhìn cô gái cười nhẹ nhàng.

“Em thích dạy trẻ con. Vui lắm anh Hoàng.”

Nghe giọng cô như vậy tự nhiên anh nghĩ mai mốt Thụy Khanh có con, chắc là cưng con lắm. Bất giác trong lòng anh có chút mong chờ, dù chẳng biết mình mong chờ điều gì.

(Còn tiếp)