Skip to main content
Đô Thị Cuộc Liên Hôn Sai Lầm Chương 16: Động Lòng Trắc Ẩn

Chương 16: Động Lòng Trắc Ẩn

Thụy Khanh ngồi đó cắm cúi vào chén cơm, không hề nhìn lên nên không biết Minh Hoàng đang kín đáo quan sát cô. Anh thấy cô chỉ ăn cơm trắng một cách rời rạc. Anh dám cá cô chẳng biết mình đang nhai gì. Tự nhiên anh thấy tội, thế là vươn tay giả vờ gắp thức ăn cho ông bà Hưng, Trúc Khanh và tiện tay bỏ thịt vào chén cô, báo hại Thụy Khanh giật mình run tay, rớt ngay chén cơm xuống bàn.

“Sao lại bất cẩn như vậy? Cầm chén cơm cũng không xong. Có khách cũng không chỉnh chu được một chút. Chẳng ra làm sao.” Bà Hưng bực mình mắng Thụy Khanh.

Giọng Thụy Khanh ẩn nhẫn xin lỗi mọi người. Trong khi ấy Trúc Khanh thấy Minh Hoàng gắp thức ăn cho Thụy Khanh, mặt cô lập tức không vui. Nhưng Minh Hoàng không để ý, anh chỉ đang nhìn Thụy Khanh nhặt từng hột cơm đổ trên bàn vào chén cô. Nhặt xong Thụy Khanh đứng dậy nhỏ nhẹ:

“Dạ lúc sáng ăn hơi trễ, nên giờ con ăn không nổi. Con xin phép lên phòng.”

Cô quay sang anh lịch sự, xa cách: “Anh Hoàng ở chơi nhé.”

Thụy Khanh ôm chén xuống bếp giao cho chị Tâm. Lên đến phòng rồi cô mới hết run. Tự nhiên anh ta gắp cho cô khiến cô sợ hãi. Cô vẫn còn nhớ lời cảnh cáo của Trúc Khanh. Cô sợ con bé nghi kỵ. Nếu con bé không vui, ba mẹ sẽ hành tội cô. Thế nên nhận thức ăn anh ta gắp, tay cô mới run lợi hại như vậy.

Ngồi yên vị trên ghế bàn học trong phong rồi mà lòng cô vẫn còn lo lắng bất an. Hy vọng Trúc Khanh và ba mẹ sẽ không nghĩ gì. Sáng giờ chỉ gặm tạm nửa ổ bánh mì với bọn Hải Băng và bận rộn công việc bán thời gian cho đến giờ mới xong, thật sự cô cũng rất đói.

Hải Băng rủ về nhà tụi nó bày biện nấu nướng, nhưng Thụy Khanh mệt chỉ muốn về nhà nghỉ. Vì chưa quen việc đứng mấy tiếng đồng hồ với bộ đồ lông thú trong thời tiết oi bức của Sài Gòn, nên cô bị đuối.

Thụy Khanh lớn lên trong hoàn cảnh nhung lụa, chưa từng chịu khổ đến mức này. Trước giờ dù hưởng ké đãi ngộ của em gái, nhưng có thể nói cuộc sống của cô toàn lên xe xuống ngựa. Hiện tại vì hoàn cảnh, cô phải tập bươn chải. Tiếc là đã ba năm trôi qua, cô vẫn chưa hoàn toàn thích nghi.

Thật ra lúc nãy Ngọc Linh đề nghị ghé đâu đó ăn canh bún, rồi về phòng trọ nghỉ ngơi một chút, sau đó học nhóm cùng nhau. Nhưng Thụy Khanh quá đuối nên lựa chọn về nhà. Tưởng được về phòng nằm nghỉ, không ngờ hôm nay số cô đỏ, chỉ trong một buổi có thể gặp ’em rể’ những hai lần. Ông trời thật ưu ái cô, người không thích lại chạm mặt thường xuyên.

Dù cơ thể mệt nhọc, Thụy Khanh vẫn không quên nhiệm vụ tiên phong của bản thân là phải học và tốt nghiệp. Cho nên cô chỉ nghỉ mệt một lúc lại lao vào bàn học. Cô cố gắng dẹp bỏ những chuyện không vui ra sau đầu và tập trung vào giáo án trước mặt.

Trong khi ấy ở dưới nhà, vì sự cố của Thụy Khanh khiến không khí kém vui. Bốn người còn lại đang ráng duy trì bữa cơm trưa, nhưng tâm trạng mỗi người mỗi khác. Trúc Khanh buồn bực vì bị chị gái giành mất sự ưu ái. Ông bà Hưng lại bực mình con gái lớn.

Minh Hoàng thì đang khó hiểu vì lối sống của gia đình hào môn này. Cách đối xử của ông bà Hưng, đặc biệt thái độ của bà dành cho Thụy Khanh, khiến anh cứ tưởng cô chẳng có mối quan hệ nào với bà. Nếu không phải cô có khuôn mặt giống Trúc Khanh, anh sẽ hoài nghi bà là mẹ kế của cô.

Không hiểu sao tâm trạng anh có chút chùng xuống. Miễn cưỡng ăn cho xong bữa cơm, anh xin phép ra về. Trúc Khanh lập tức buồn bã, muốn anh ở lại chơi với cô thêm. Ông bà Hưng khó xử, biết anh đã dành cả buổi sáng cho Trúc Khanh nên không tiện giữ anh thêm, bèn dỗ dành Trúc Khanh.

Tự nhiên trong một phút, Minh Hoàng cảm thấy nản. Giống như anh đang qua lại với một cô bé con còn chưa trưởng thành, đã thế thân thể còn mang bệnh tật. Đối xử với cô phải hết sức nâng niu và cẩn trọng. Anh cảm thấy mình chẳng có cách nào nhìn cô ở phương diện người yêu để có thể xuống tay. Quan trọng nữa là cảm xúc không có.

Đi bên Trúc Khanh anh không hề có cảm giác gì, chỉ đơn thuần là anh trai đưa em gái đi chơi. Anh muốn nói thẳng với ông bà Hưng mình không thể đến với Trúc Khanh, nhưng sợ mình quá vội vàng. Ông nội và ông bà Hưng sẽ cho rằng anh không cố gắng tìm hiểu, chỉ mới vài tháng đã từ bỏ. Anh hiểu bản thân mình hơn ai hết. Nếu không có cảm xúc, dù kéo dài thêm bao lâu, khả năng anh tiếp nhận là rất thấp.

Một điều anh sợ hãi nữa là nếu để thời gian quá lâu, Trúc Khanh phụ thuộc vào anh, chỉ có hại cho cô bé. Mà bây giờ nói ra sẽ vấp phải sự phản đối của ông nội. Bỗng chốc anh rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Lần đầu tiên anh chợt nhận ra chuyện tình cảm còn khó đối phó hơn việc ngán chân đối thủ trên thương trường.

Trong lòng Minh Hoàng vô cùng buồn bực. Bây giờ mà về nhà lại phải nghe ông nội hỏi han chuyện tình cảm. Anh đành quay đầu xe sang nhà bạn thân. Quốc Toàn thấy anh xuất hiện ở cửa cũng ngạc nhiên:

“Giờ này mày không nghỉ trưa, sao lại chạy sang đây? Có dự án mới muốn bàn với tao à?”

“Mày có thể đừng nhắc công việc vào cuối tuần được không? Tao cũng không quá cuồng việc đâu.” Minh Hoàng tự nhiên ngồi xuống salon.

“Người trước giờ chỉ xem công việc là lẽ sống của cuộc đời như mày mà nay nói ra mấy lời này, khiến tao ngạc nhiên.” Quốc Toàn nhìn anh chọc ghẹo.

Thật ra bạn anh nói cũng không sai. Ai chẳng biết anh là kẻ tham công tiếc việc. Cuối tuần rảnh rỗi cũng sẽ xử lý công việc, hoặc sẽ mời vài đối tác nào đó chơi Golf, cũng là một hình thức làm việc. Anh thường thắt chặt quan hệ dựa trên những trái banh Golf lăn trên sân cỏ mười tám lỗ. Cứ như vậy các mối quan hệ cũ được củng cố và các mối quan hệ mới được tạo ra.

Người ta nói đánh Golf là môn thể thao của nhà giàu, nhưng mà đối với anh nó vừa là thể thao, vừa giúp anh nắm bắt thông tin thị trường qua từng trận đấu Golf trên sân. Không bao giờ anh cho phép mình lãng phí thời gian. Chẳng phải tự nhiên mà anh thành công, những gì anh đạt được hôm nay là mồ hôi và công sức anh đã bỏ ra.

Người ngoài chỉ nhìn vào thành quả và cho rằng anh có tài, nhưng mấy ai nghĩ được đằng sau hào quang đó, anh đã phải vắt kiệt sức thế nào. Đi một vòng trên sân Golf rộng lớn cũng đòi hỏi người ta phải có thể lực nhất định, để có thể di chuyển trên địa hình hơn 50 hecta, và đôi khi mất cả buổi mới đi hết mười tám lỗ. Thế cho nên thành công của anh ngoài nền tảng học vấn có sẵn, cũng còn nhờ vào sự chịu khó, cộng thêm tài hoa và sự nhạy bén nắm bắt thông tin của riêng anh.

“Làm việc cũng phải có lúc nghỉ ngơi. Vợ con mày đâu rồi?” Anh nhìn Quốc Toàn hỏi bâng quơ.

“Bà Vân đang tập yoga trong phòng. Bé Tú ngủ trưa rồi.”

Nghe Quốc Toàn nhắc đến bé Tú, tự nhiên Minh Hoàng chợt nhớ đến Thụy Khanh. Trong đầu anh hiện lên hình ảnh khuôn mặt buồn buồn của cô bé trên bàn ăn vừa rồi, bất giác anh có chút không đành lòng. Suy nghĩ còn chưa kịp thu lại, miệng đã vuột ra hỏi thăm về cô:

“Hôm nay cô giáo bé Tú không đến dạy sao?”

“Chủ nhật là ngày nghỉ của hai cô trò. Thụy Khanh dạy bé Tú một tuần sáu buổi rồi, cũng phải cho cô bé nghỉ một ngày chứ.”

“Mày có vẻ cảm tình đặc biệt với cô giáo hả?” Minh Hoàng cười cười.

Quốc Toàn nghĩ đâu phải mình anh thiện cảm với Thụy Khanh mà cả hai vợ chồng anh đều thích cô bé này. Bé Tú thì khỏi phải nói rồi, nó cực kỳ nghiện cô giáo. Giờ trong lòng Vân Tú, cô giáo là số một. Quốc Toàn vừa nói vừa nhớ lại mấy lúc con gái đu người Thụy Khanh mà buồn cười.

“Hai vợ chồng mày cũng gan hả. Giao hẳn con gái cho cô giáo. Có biết người ta thế nào không?” Minh Hoàng giả vờ hỏi vô tư.

Thật ra lúc đầu Quốc Toàn cũng hơi ngại, nên có bảo người giúp việc để ý. Nhưng chỉ buổi đầu gặp cô giáo, hai vợ chồng anh đã thấy yên tâm, chẳng cần phải thử thách gì nữa. Mặt mũi cô giáo non choẹt, tướng tá thì tiểu thơ, nhìn cốt cách không giống thành phần bất hảo. Vả lại cô bé được cô giáo bên nhạc viện giới thiệu, chắc không phải tào lao, nên bọn anh bắt đầu tin tưởng.

Quốc Toàn cầm tách trà lên hớp một ngụm, rồi chia sẻ tiếp cho anh: “Thật ra Thụy Khanh rất dễ thương. Dạy được một năm, thấy cô bé rất nhiệt tình và dạy đâu ra đó. Dù bọn tao không có ở nhà, cô bé vẫn dạy chăm chỉ. Ngày ngày còng lưng trên chiếc xe đạp chạy đến nhà tao kèm Vân Tú. Nhìn tướng tá sang trọng, lúc đầu bọn tao cứ tưởng con nhà khá giả nên cốt cách mới cao sang, thế mà lại trái ngược. Có vẻ cô bé được sinh ra trong gia đình vô cùng khó khăn.”

Minh Hoàng nghe Quốc Toàn nói anh cười thầm trong lòng. Con nhóc này cũng biết che giấu thân phận lắm. Khiếu diễn xuất cũng hay, còn khiến vợ chồng người ta lầm tưởng gia cảnh nghèo hèn. Còn có thể khơi gợi sự thương xót của người ta, quả thật lợi hại! Tuy nhiên đây là chuyện riêng của Thụy Khanh, anh lười quản nên không nói gì, chỉ ngồi đó nghe bạn thân tiếp tục nói về cô:

“Cô bé vừa học vừa làm, rất vất vả. Sinh viên bây giờ cũng chịu khó, năng động hơn ngày xưa.”

Minh Hoàng tò mò hỏi lương dạy kèm được bao nhiêu một tháng. Nghe Quốc Toàn nói ra khiến anh giật mình. Dạy piano một tuần ba buổi giá một triệu tám một tháng. Sau đó kèm thêm học văn hóa mới trả được hai triệu rưỡi. Cả một tuần dạy hết sáu ngày mà chỉ kiếm được bấy nhiêu.

Một phút anh có thể kiếm bao nhiêu con số không. Ấy thế mà cả tháng cô vất vả dạy, chỉ được hai ba triệu. Lao động chất xám mất giá vậy sao? Cũng đừng trách anh không hiểu tình hình thực tế. Trước đây anh có bao giờ vất vả dạy kèm. Cuộc đời của anh, chuyện học hành được ông nội đầu tư. Cuộc sống dư thừa tiền bạc, chưa khi nào anh phải vất vả mưu sinh.

Chẳng qua bây giờ ông nội lớn tuổi, anh phải có trách nhiệm gồng gánh việc kinh doanh của gia đình, nên cuộc sống trở nên bận rộn. Anh làm sao biết lương cho sinh viên gia sư, một tuần dạy hai buổi chỉ vài trăm ngàn đến một triệu đồng. Ít ỏi đến đáng thương. Minh Hoàng chỉ cho là Thụy Khanh muốn theo các bạn trải nghiệm cảm giác đi làm thêm, nên trong lòng anh không nghĩ gì nhiều.

“Đây là theo mặt bằng chung đó mày. Thụy Khanh chưa có bằng cấp gì, nên học phí trả cho sinh viên dạy kèm chỉ nhiêu đó.” Quốc Toàn giải thích thêm cho anh: “Thụy Khanh không tốt nghiệp nhạc viện, cũng không phải sinh viên nhạc viện, nên mức phí này là cao rồi. Nhưng thật ra vì có hảo cảm, nên tháng nào hai vợ chồng tao cũng trả thêm cho cô bé. Có điều cô này lòng tự trọng quá cao, chẳng bao giờ chịu nhận thêm.”

Quốc Toàn vừa cười vừa lắc đầu như không thể tin. Mỗi khi tới kỳ trả tiền học phí, bọn anh bỏ thêm một ít trong bì thư. Vậy là ngày hôm sau Thụy Khanh sẽ mang trả lại. Cô bé này cũng lạ đời, có vẻ ít va chạm, nên nhắc đến tiền nong là mặt mũi đỏ hết lên. Mỗi lần trả lại tiền cho hai vợ chồng anh, mà cứ tưởng cô bé vừa gây ra lỗi lầm gì đó. Thái độ cứ ngại ngùng.

Hai người đàn ông không hay rằng tự nhiên mình lại nhắc nhiều về Thụy Khanh. Cả hai vẫn còn đang nói huyên thuyên thì chị Vân xuống lầu. Nhìn thấy Minh Hoàng đang trong phòng khách nhà mình, chị ngạc nhiên sao hôm nay Minh Hoàng lại đến giờ này.

“Đến thăm hai vợ chồng không được sao? Có gì mà Vân ngạc nhiên.” Minh Hoàng cười cười.

Chị Vân chọc làm sao không ngạc nhiên cho được. Minh Hoàng là dân kinh doanh bận rộn, thế mà hôm nay cuối tuần không đi kết giao, lại ghé thăm hai vợ chồng. Chị thầm nghĩ mình có nên đi mua vé số không?

“Mà hai người đang nói đề tài gì sôi nổi vậy?” Chị Vân quay sang nhìn chồng hỏi.

“Bọn anh đang nhắc về cô giáo của Vân Tú. Thằng Hoàng tò mò lương gia sư sao ít vậy.”

“Tại Hoàng xài tiền tỉ, nên thấy vài triệu ít phải rồi.” Chị Vân nói kháy bạn.

“Nói móc tôi hả bà?” Minh Hoàng nhìn chị Vân: “Tại tôi ngạc nhiên, cô bé dạy cả tuần mà mỗi tháng chỉ lãnh được hai ba triệu tiền học phí.”

“Thật ra vợ chồng tôi cũng thấy tội cô bé, nên mỗi tháng đều muốn cho thêm. Chỉ tại bé Khanh cứ ngại, chẳng bao giờ chịu nhận thôi.” Rồi như nhớ ra, chị Vân lại nhắc chuyện cũ: “Chẳng ai như Thụy Khanh, lòng tự trọng quá cao. Tháng rồi thấy cô bé vất vả, hai vợ chồng bàn nhau tặng thêm một tháng lương, vậy mà cô bé vẫn trả lại.”

Anh Toàn nghe vợ nói cũng không nhịn được nói vào, khen Thụy Khanh hiền lành, vậy mà không may mắn. Gia cảnh đã khó khăn, cuộc sống lại không hạnh phúc. Minh Hoàng nghe vậy ngạc nhiên:

“Sao mày nghĩ cô bé không hạnh phúc?”

Anh Toàn chưa kịp trả lời thì chị Vân đã vọt miệng: “Chẳng những không hạnh phúc mà gia đình chắc không yên ổn. Hôm trước con bé còn bị ba nó bạt tai thật ác ôn. Đánh con nhỏ sao mà mặt nó còn in hằn năm dấu tay.”

Minh Hoàng nghe vậy giật mình: “Vân nói sao? Ai đánh Thụy Khanh?”

Anh không nhận ra tự nhiên mình lại quan tâm cô. Nghe cô bị đánh, lòng anh bất chợt xốn xang. Thì ra anh cảm nhận đúng, cô bé này không được cha mẹ yêu thương. Có điều anh nghĩ mãi không thể hiểu sao ông bà Hưng lại cư xử lạ đời. Con cái đứa thì thương như báu vật, đứa lại hắt hủi. Hay là cô nàng ngổ ngáo này đã làm ra chuyện gì không thể tha thứ nổi?

Anh còn đang cố đoán chuyện gì xảy ra ở gia đình đó, thì chị Vân đã nói tiếp: “Nghe bé Tú nói ba Thụy Khanh đánh. Chẳng hiểu giận kiểu gì mà có thể tát vào mặt con gái như vậy. Lúc con bé đến đây dạy, hai cô trò nó ôm nhau khóc như mưa gió.”

Chị Vân nhớ lại cảnh cũ miệng mỉm cười, nhưng lòng lại xót xa cho Thụy Khanh. Minh Hoàng cũng không thể tưởng tượng ông Hưng có thể tát vào má cô. Nhưng mà chuyện gì xảy ra khiến ông mất bình tĩnh đến mức này? Tự nhiên anh nghĩ có lẽ chuyện xuất phát từ Trúc Khanh. Nếu có điều gì khiến ông bà Hưng mất kiểm soát, thì chỉ liên quan đến cô bé này.

“Hai người có nhớ ngày nào cô giáo mang bộ mặt bị đánh đến dạy Vân Tú không?”

“Mày hỏi chuyện này làm gì?” Quốc Toàn ngạc nhiên nhìn Minh Hoàng.

Sao thằng bạn anh lại quan tâm chuyện thiên hạ. Bộ tên này giờ rảnh rỗi sinh nông nổi hay sao? Anh Toàn thắc mắc vậy nhưng vẫn cố nhớ lại thời gian đó. Có điều chẳng thể nhớ nổi, đành quay sang hỏi vợ. Tất nhiên chị Vân không thể nói chính xác ngày nào, chỉ nhớ đại khái nó xảy ra vào dịp cuối tuần.

Nghe chị Vân nói vậy, Minh Hoàng chợt liên tưởng khoảng thời gian đó. Có lẽ là lúc anh bày trò mời cả gia đình cô đến nhà, và giả vờ gắp thức ăn vào chén cô. Có khi nào anh đã vô tình gây khó dễ cho cô chăng?

(Còn tiếp)