Skip to main content
Đô Thị Cuộc Liên Hôn Sai Lầm Chương 3: Thề Độc

Chương 3: Thề Độc

Đợi Thụy Khanh khuất sau bụi hoa, Minh Hoàng một tay đút túi quần, tay còn lại dặp tắt điếu thuốc còn đang cháy dở, rồi quay lưng đi vào sảnh tiệc. Bên trong, ông Hưng và ông nội đã đứng trước micro, chuẩn bị tuyên bố lý do của buổi tiệc đêm nay.

Minh Hoàng nghĩ thầm chắc cô vợ mong manh của anh lại trở bệnh nên nhạc mẫu ở lại chăm sóc. Một mình nhạc phụ quay xuống duy trì buổi tiệc. Thấy anh vào ông nội lập tức dựng râu, nhưng ngại quan khách còn đây ông nội chỉ kín đáo trừng anh:

“Con đi đâu nãy giờ? Chúng ta đợi con đấy.”

“Xin lỗi ông nội và chú Hưng! Con mới ra vườn hút điếu thuốc.”

“Không sao đâu con. Giờ chúng ta bắt đầu.”

Nói rồi ông Hưng bắt đầu tuyên bố với quan khách: “Cám ơn các vị khách quý, đối tác làm ăn, bạn bè đã nể mặt đến tham tự buổi tiệc tối đêm nay.”

Đợi cho tiếng vỗ tay lắng xuống ông Hưng bắt đầu nói tiếp vào micro: “Cũng thành thật xin lỗi quý vị vì chút sự cố của con gái, bà nhà tôi không thể tiếp đón quý vị. Tôi xin thay mặt cả nhà xin lỗi quý quan khách.”

Vài tiếng nghị luận bên dưới, một số thông cảm, một số lại tò mò, chẳng biết cô nàng kia bị bệnh gì nghiêm trọng đến mức mới vừa mạnh khỏe là thế, giây kế tiếp lại ngã quỵ. Thật là yếu đuối hơn mức bình thường.

Bên trên ông Hưng vẫn đang thao thao bất tuyệt: “Buổi tiệc hôm nay một phần là để cám ơn các đối tác đã nhín chút thời gian đến đây mừng kỷ niệm thành lập công ty chúng tôi. Cám ơn các bạn bè xa gần đã ủng hộ cho đến tận bây giờ. Sự thành công của chúng tôi không thể thiếu sự giúp đỡ của các bạn. Một lần nữa chân thành cảm ơn các bạn đã có mặt tại đây đêm nay.”

Một loạt tiếng vỗ tay có tính hình thức vang lên. Ông Hưng như được tiêm máu gà, bắt đầu phát biểu tiếp: “Ngoài việc mừng kỷ niệm thành lập công ty, tiệc tối đêm nay còn có một ý nghĩa quan trọng khác. Thông qua buổi tiệc này chúng tôi muốn tuyên bố mối liên hôn giữa nhà chúng tôi và tập đoàn Kiến Tường.”

Rồi ông Hưng quay sang ông nội: “Cám ơn bác Minh vẫn nhớ lời hứa của ba con ngày xưa, duy trì cuộc hôn nhân cho Minh Hoàng và con gái Trúc Khanh của con.”

Tiếng vỗ tay giả tạo vang vang ầm ầm như muốn phá hỏng màng nhĩ của Minh Hoàng. Anh ngó sang thấy ông nội cũng đang vỗ tay khí thế, bày tỏ niềm vui sướng bất nhân mà bực mình. Không ai thèm quan tâm nụ cười gượng ép của anh, thế thì đừng trách anh vô tình.

Anh xin lấy danh dự ra thề, nếu không phá được cuộc hôn nhân này anh chấp nhận bị trời phạt. Mai này có lấy vợ về cũng sẽ làm tôi mọi cho vợ, sống không bằng chết, cả cuộc đời sẽ đau khổ vì vợ con.

Lời thề âm thầm hơi bị độc mà kệ đi, giờ anh không quan tâm gì khác ngoài chuyện phải làm sao hủy bỏ mối liên hôn ác ôn này. Anh nhìn cô Lâm yếu đuối vừa rồi mà con tim chẳng rung động gì sấc, bảo anh làm sao ăn đời ở kiếp với cô ta.

Thời đại nào rồi còn có chuyện kết hôn rồi sẽ yêu? Ông nội ép uổng anh thế này quả thật không cần trời phạt, thì anh cũng đang sống trong đọa đày rồi. Anh vất vả duy trì nụ cười giả tạo đến tàn tiệc.

Sau khi bắt tay tạm biệt, giả vờ quan tâm vợ tương lai cho đủ bổn phận, anh vọt nhanh ra xe. Đúng lúc anh muốn đóng cửa lại, thì bị một cây ba ton chặn ngang cửa, và rồi giọng ông nội âm dương quái khí vang lên:

“Con chạy cũng nhanh quá hả? Qua xe ông nội muốn nói chuyện với con.”

Minh Hoàng lắc đầu ngán ngẫm nói với tài xế phía trước: “Anh chạy xe không về đi.”

Anh uể oải bước đến bên xe ông nội. Trong đầu lập tức xếp sẵn một đống từ ngữ chuẩn bị đối phó. Quả nhiên vừa lên xe, ông nội quăng ngay ba ton về phía anh. Không gian xe chật hẹp anh chẳng thể nào tránh, nên bị cây ba ton va mạnh vào ống quyển. Ngày thường anh tập gym, cơ bắp cuồn cuộn nên cây gậy này không thể tổn thương đến gân cốt của anh, nhưng phần thịt bên ngoài không tránh khỏi bị va chạm, có chút thốn.

Tuy nhiên nỗi đau thể xác chỉ là chuyện nhỏ, mất mặt mới là chuyện lớn. Chú Hai quản gia, cấp dưới của ông nội vẫn còn ở đây, vậy mà ông nội không chừa chút mặt mũi nào cho anh. Anh lớn tồng ngồng vậy rồi mà ông thích phang gậy là phang ngay. Thôi thì anh nhịn. Tại mấy ngày nay ông nội lên máu, bằng không anh đã nhảy xuống xe rồi.

“Ông nội sao lại đánh con?” Minh Hoàng vừa xoa chân, vừa cất giọng không vui.

“Con còn dám hỏi ông nội nữa sao? Tối nay con làm cái quái gì vậy? Đừng tưởng ông nội không biết trò ma mãnh của con. Con nói đi ra vườn hút thuốc thật sao? Con rõ ràng là muốn bỏ về.”

“Nếu con bỏ về sao ông nội còn thấy con ở trong tiệc? Chẳng phải con đang ngồi thù lù ở đây cho ông nội đánh mắng con nữa sao.”

“Đừng có già mồm. Tưởng ông nội không biết con nghĩ gì chắc.” Mặt mũi ông nội sần sộ, đỏ hết cả lên.

“Vậy ông nội biết con nghĩ gì, sao còn ép con?”

Anh vừa nói đến đây huyết áp của ông nội liền tăng vọt, dùng nhất dương chỉ chỉ thẳng về phía anh:

“Con muốn ông nội tức chết phải không? Con nói ông nội ép con, ý con là không muốn chấp nhận cuộc hôn nhân này phải không?”

Anh vội vàng nhào đến vuốt ngực giúp ông thuận khí huyết: “Ông nội bình tĩnh, con có nói không chấp nhận đâu. Chẳng phải tối nay bác Hưng đã tuyên bố hôn ước của hai nhà rồi còn gì. Con còn chạy đi đâu được nữa.”

“Con cũng biết tối nay con gái người ta đã gắn liền với con. Nếu con mà làm bậy sẽ hỏng thanh danh của con bé.”

“Con không làm bậy nhưng ông nội không công bằng với con.” Minh Hoàng ủy khuất.

“Không công bằng chỗ nào?” Ông nội ngó anh, biểu cảm đã dịu xuống.

Dạo này anh khôn ra, không cần phải la hét chống đối mạnh mẽ, chỉ cần giả vờ ủy khuất một chút thôi, ông nội sẽ phải nói lí lẽ với anh. Thế nên anh giả vờ hết mức có thể, cất giọng thê lương:

“Con không chối bỏ cuộc hôn nhân này, nhưng kết hôn không phải là chuyện đùa. Nếu nhà họ có một cô con gái, con sẽ không có ý kiến. Nhưng nhà người ta có hai cô, ít ra ông nội cũng phải cho con cái quyền lựa chọn một trong hai cô, sao lại ép cô nàng bệnh tật cho con?”

Chắc nghe giọng anh thê thảm quá, ông nội im một giây suy gẫm: “Con nói cũng đúng, là ông nội thất trách. Đúng là cô bé đó quá yếu đuối, sợ không thể sanh cho ông chắt trai.”

Minh Hoàng vừa nghe mấy lời ông nội nói, tâm như nở hoa. Vậy là ông nội đã nghe lọt tai lời anh, xem ra vấn đề có thể được giải quyết. Sự việc đang đi đúng quỹ đạo anh đã vạch ra. Thật hay quá!

Nhưng ông nội đúng cáo già, ngó thấy bản mặt đang vui sướng kín đáo của anh, lập tức cảnh giác:

“Con giả vờ kiếm chuyện phải không? Con bé chỉ yếu đuối chút thôi, nhưng nhìn nó không đến nỗi nào. Con rõ ràng tìm cách chê bay để hủy hôn.”

“Con xin thề với ông nội con không hề muốn hủy hôn.”

Anh đã lỡ thề lúc nãy rồi, giờ thề thêm nữa cũng chẳng sao. Tương lai anh làm tôi tớ cho cô vợ nào đó anh yêu cũng được. Còn đỡ hơn kết hôn với người không yêu. Vì hạnh phúc nửa đời sau của mình, anh đành phải dùng mọi hạ sách.

“Ông nội cũng thấy con đến đây, đứng ngoan ngoãn bên cạnh ông nội và bác Hưng tối nay nghe mọi người tuyên bố, đủ thấy con thành thật đến mức nào. Cho nên ông nội cũng phải nghĩ cho con. Ít ra để con chọn người con thích.”

“Ý con muốn sao?”

Nghe ông nội nói vậy, anh biết ông có vẻ xuôi xuôi. Anh giả vờ thảm sầu:

“Ông nội cũng biết kết hôn không có tình yêu khổ sở cỡ nào. Ông nội cũng đâu muốn con gái nhà người ta khổ phải không?”

Ông nội gật gật, anh an tâm nói tiếp: “Giờ ít ra để con tìm hiểu một trong hai cô gái nhà đó. Biết đâu con sẽ hợp với một trong hai. Vậy rồi tụi con yêu nhau, sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.”

“Vậy con muốn làm gì?” Ông nội nhìn anh không mấy tin tưởng.

“Tối nay con đã gặp cô em, nhưng còn cô chị thì sao? Ông nội cho con gặp luôn đi. Biết đâu con lại hợp với cô chị.”

Lúc này Thụy Khanh đang ở trong phòng xem lại bài vở ngày mai, bất thình lình ách xì một cái rõ to. Phòng không hề bật máy điều hòa sao sống lưng cô lạnh thế nhỉ? Cô vừa dùng khăn giấy chậm nước mũi vừa bực mình nghĩ thầm, chẳng lẽ mình đã lây sự yếu đuối của em gái? Bôn ba ngoài đường một buổi chiều đã muốn cảm mạo rồi sao.

Bên này, Minh Hoàng tiếp tục nhìn ông nội giãi bày: “Con không chối bỏ, nhưng ông nội phải để con chọn người con thích, thay vì đẩy cô em cho con.”

“Vậy giờ con muốn ông nội làm gì? Tối nay đã tuyên bố Trúc Khanh là vị hôn thê của con rồi. Nếu thay đổi cũng tội nghiệp con bé.” Ông nội khó xử.

“Ông nội lo gì. Nhà đấy hai cô con gái giống nhau. Ai biết cô nào là chị, cô nào là em. Vả lại tối nay toàn đối thủ, ai cần quan tâm cô chị hay cô em kết hôn với con. Họ chỉ quan tâm khi nào chúng ta phá sản thôi đó ông nội.”

Ông nội vươn tay cốc vào đầu anh: “Cái thằng ăn với nói.”

Ông nội liếc anh: “Vậy ông nội để con gặp cô chị, xong rồi con sẽ chọn một trong hai đứa phải không?”

“Dạ phải!” Minh Hoàng cam kết.

“Để ông nội nghĩ cách cho con gặp cô chị.”

“Cần gì phải nghĩ hả ông nội. Con có cách rồi.” Minh Hoàng vuột miệng.

Ông nội nhìn anh không thiện cảm: “Vậy là mày bày sẵn thế trận rồi, đâu phải bây giờ mới nghĩ ra.”

“Con xin thề, con mới nghĩ ra thôi đó ông nội.”

“Ông nội tin con mới là lạ.”

Minh Hoàng cười cười: “Mà chuyện con mới nghĩ ra hay nghĩ trước đó thì có gì khác biệt đâu ông nội. Quá trình đâu có quan trọng, kết quả mới là điều đáng quan tâm.”

“Vậy giờ con nói ra cách thức của con đi.”

“Ông nội mời cả gia đình người ta đến nhà mình ăn cơm thân mật vậy là xong. Khó gì đâu.”

Nói xong câu này, anh chợt nhận ra ý định của nhà bên đó gán ghép cô em cho anh, nếu không nhấn mạnh cả gia đình, thế nào cũng chỉ có ba người tham dự.

“Ông nội phải mời cả nhà bốn người để tăng tình cảm của hai gia đình. Nếu không sẽ có người lại trốn không tham dự đó.”

Ông nội nhìn nụ cười gian tà của thằng cháu trời đánh, cứ như mọi chuyện đang nằm trong lòng bàn tay nó mà có chút buồn bực. Mới đây nó còn lẽo đẽo bên cạnh mình, giờ còn bày thế trận cho mình theo nó, thời gian đúng là kẻ thù của người già. Càng lớn tuổi não càng teo lại rồi.

* * *

Trưa nay sau giờ học phần Toán học 4, Thụy Khanh gom lại sách vở trên bàn, đang bỏ vào cặp táp thì Hải Băng vỗ vai cô.

“Ê bồ, có chương trình mới. Người ta thuê sinh viên đạp xe quảng cáo. Bồ tham dự không?”

“Bồ nay chịu chạy xe đi vòng vòng thành phố rồi hả? Không sợ đen da sao?” Thụy Khanh ghẹo.

“Da nó đẹp, có chạy vòng vòng hôm nay, ngày mai nó lại trắng ra, sợ gì đâu.” Ngọc Linh bên cạnh cô cũng tham gia câu chuyện.

“Cho nên hai người không bị đen, còn da của mình sẽ cháy xám. Nhưng vì đồng tiền, chắc phải hy sinh thôi.” Thụy Khanh tư lự.

“Bồ dân thành phố mà trông còn thảm hơn hai đứa tụi mình.” Hải Băng nhìn Thụy Khanh thương cảm.

Nhỏ Khanh này rất tiểu thư. Lúc đầu gặp cô cứ nghĩ nhỏ được nuôi dạy trong gia đình hoành tráng lắm, thế mà nhìn cách con nhỏ chi tiêu, cứ thiếu trước hụt sau. Tiền học phí phải tự gồng mình đóng, nhiều khi thấy tội. Cô và Ngọc Linh dù là dân tỉnh lẻ nhưng hai đứa còn có gia đình lo chuyện học phí. Các cô chỉ làm vài công việc bán thời gian để chi tiêu lặt vặt. Còn Thụy Khanh phải kiếm tiền mua sách vở và để dành đóng học phí.

Nhìn tướng tá của Thụy Khanh cử tưởng dân nhà giàu chảnh chẹ, vậy mà chơi với nó rồi mới biết nó chỉ có tướng sang trọng vậy thôi, thật ra cuộc sống khó khăn vô cùng. Mấy lần hỏi về gia cảnh, nó chỉ bảo không muốn phụ thuộc gia đình. Gia đình nó không muốn nó học sư phạm, mà nó ương bướng nên phải tự kiếm tiền hoàn thành chương trình học.

Con nhỏ không nói nhiều về gia đình nhưng Hải Băng cảm thấy cha mẹ nhỏ này giận cũng dai thật, vả lại cách thương con cũng kỳ. Chỉ vì giận rồi không thèm lo chuyện học phí cho con nhỏ. Mà thôi, có khi nhà nó khó khăn thật. Chắc nó có nỗi khổ gì đó. Đôi lúc thấy nó buồn, cô và Ngọc Linh muốn an ủi nhưng rồi nó lại mỉm cười, lạc quan vô cùng.

“Thì mình cần tiền mà, cũng gần đến lúc đóng học phí rồi. Mình đang lo tiền để đóng.” Giọng Thụy Khanh không giấu nổi mệt mỏi.

Cứ đến kỳ học phí Thụy Khanh phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền. Nếu không lo đủ, sẽ không được tham dự kỳ thi kết thúc môn. Ba mẹ cô có nhiều tiền lắm nhưng cô không thể mở miệng, vì hai người không quan tâm chuyện học hành của cô. Ngày cô từ chối làm chiếc bóng bên cạnh em gái cũng là ngày cô không còn nhận được sự quan tâm nhỏ nhoi của ba mẹ nữa. Từ lúc biết suy nghĩ, cô đã nhận ra mình chỉ là con rối bên cạnh ba mẹ và em gái.

Ba mẹ muốn cô luôn ở sau lưng em. Đến chuyện học, cô cũng phải học luôn phần của em. Từ nhỏ đến lớn hai chị em chưa bao giờ tách ra. Em gái yếu đuối, hôm nay ở trường, ngày mai có thể vào bệnh viện, nên cô phải gồng mình làm bài cả phần em. Em thích học dương cầm, cô cũng phải theo em học dương cầm. Em thích học vẽ, cô cũng phải học vẽ phần em. Cô cứ theo bên cạnh em đến năm mười tám tuổi, rồi chợt nhận ra đời mình chỉ là chiếc bóng. Cho nên cô đã làm một cuộc thay đổi, tự mình lo cho tương lai.

Em gái thích học đại học nhưng năng lực không đủ. Sau khi hai chị em tốt nghiệp cấp ba, ba mẹ muốn cô tiếp tục theo phò em lên đại học. Vì sợ em gái vất vả nên ba mẹ chọn hướng đi phù hợp cho em, để em thi vào nhạc viện đúng sở trường. Ba mẹ muốn cô theo em và cô từ chối, cho nên mới có chuyện cô phải tự đóng học phí. Cô còn nhớ ngày đó mây đen giăng đầy bầu trời, báo hiệu cơn giông tố khi cô gân cổ lên cãi lời ba mẹ:

“Con không học nhạc viện. Con muốn học cái con thích. Mười tám năm con đã theo bên cạnh em. Giờ con muốn sống cuộc đời của con.”

Mẹ giận đến mất bình tĩnh: “Sao con có thể ích kỷ như vậy? Con đã quên vì ai em gái phải chịu cảnh này?”

“Con vẫn luôn nhớ mẹ bảo vì con. Tại con giành ra đời trước em, nên em phải chịu yếu đuối bệnh tật thay phần của con. Từ nhỏ con đã bị suy nghĩ này tiêm nhiễm. Những gì cần trả, con đã trả xong cho em rồi.”

Đó là lần đầu tiên Thụy Khanh bộc lộ suy nghĩ sâu thẳm trong lòng. Ba mẹ luôn muốn cô hy sinh cho em. Hai người thường tiêm nhiễm vào suy nghĩ non nớt của cô rằng cô nợ em. Hồi đó còn nhỏ nên cô không hiểu, cũng không biết cách phản kháng. Sau này hiểu chuyện hơn, biết buồn và nhận ra sự bất công.

Thụy Khanh dần dần thất vọng vì ba mẹ thiếu công bằng. Dù cô cố gắng ngoan ngoãn để được ba mẹ chú ý, mong hai người cũng thương mình như em gái nhưng mọi cố gắng của cô chỉ là muối bỏ bể, chẳng đọng lại chút gì trong tâm trí họ. Cái ba mẹ cần là cô phải theo sát bên cạnh em gái, làm nền cho em gái tỏa sáng.

Cô đã chịu đựng mười tám năm và giờ mới nổi loạn. Sự nổi loạn đầu tiên là không vào nhạc viện, rước lấy cơn giận của mẹ. Kế tiếp cô nói ra suy nghĩ trong lòng, rồi ăn một bạt tay trời giáng từ ba. Chính ba cũng giật mình khi nhìn bàn tay nóng rát của mình sau khi đánh cô.

Cô đau nhưng không hề khóc, vì nỗi đau thể xác đã bị nỗi đau tinh thần lấn át. Lòng cô vỡ vụn khi chợt nhận ra ba mẹ không hề yêu thương mình. Hai người đã bị em gái chiếm tất cả tâm tư tình cảm. Điều khiến cô khó hiểu là cô cũng được mẹ sinh ra, nhưng mẹ không đau. Cô hoàn toàn tuyệt vọng với cái gọi là tình cảm gia đình.

“Tại gia cảnh Khanh rắc rối hơn hai người. Mà hôm nay bận việc, chắc mình không theo hai người nhận chương trình này rồi.” Thụy Khanh nhìn hai nhỏ bạn tiếc nuối.

“Khanh có chuyện gì nữa sao?” Ngọc Linh quan tâm.

“Khanh không có chuyện gì. Chỉ là chiều nay phải về nhà một chuyến.”

“Tiếc thật! Công ty này trả thù lao cao lắm. Nếu có thể tham dự Khanh cũng có tiền đóng học phí.” Hải Đăng cũng tiếc thay cho cô.

“Để Khanh về nhà xem sao, nếu không có gì phức tạp thì Khanh sẽ gọi cho hai bồ.”

“Ừa, thôi Khanh về đi. Hai đứa mình cũng tranh thủ về phòng ngủ chút, rồi 2 giờ sang công ty đó tập trung. Nếu Khanh đi được thì đến đó luôn. Băng sẽ nhắn địa chỉ cho Khanh.”

Hải Đăng lanh lẹ nhất trong ba đứa. Đa số các công việc bán thời gian đều là cô nàng đứng ra nhận và thông báo cho các cô. Có một đứa bạn lanh lẹ vậy cũng may mắn cho hai người bọn cô.

(Còn tiếp)